Doanh nghiệp thêm gánh nặng chi phí đầu năm 2016 - Tin tức - Công ty Cổ Phần Nhựa Thiên Quốc
Tin mới cập nhật
Bằng khen & chứng nhận
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ & Đặt hàng 0933. 500.063 (Mrs.Chau)

Doanh nghiệp thêm gánh nặng chi phí đầu năm 2016

Doanh nghiệp thêm gánh nặng chi phí đầu năm 2016

C
Phóng to 

Thu nhỏ 

Add to Favorites 

In bài 

Gửi cho bạn bè
Với mức lương tối thiểu vùng tăng thêm từ năm 2016, ắt hẳn một loạt chi phí mà doanh nghiệp phải chi vì quyền lợi của người lao động sẽ tăng thêm. Ảnh: UYÊN VIỄN

(TBKTSG) - Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp đầu năm Dương lịch thì mọi loại chi phí của doanh nghiệp đều tăng cao khiến không ít chủ doanh nghiệp đau đầu, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài các nguyên nhân như việc Trung Quốc bất ngờ phá giá sâu đồng nhân dân tệ làm ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, kéo theo biến động tỷ giá ngoại tệ thì việc thay đổi chính sách của Chính phủ, trong một chừng mực nào đó, cũng góp phần làm tăng thêm nỗi lo cho các doanh nghiệp.

Chi phí thuế có thể tăng cao

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế ngày 13-8-2015 được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ(1), chi phí trả lãi tiền vay vốn của doanh nghiệp vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu sẽ không được xem là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Nếu chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá bốn lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại thì được xem là khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; và từ ngày 1-1-2019, tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá vốn chủ sở hữu là 4:1 đối với lĩnh vực sản xuất và 3:1 đối với các lĩnh vực còn lại. Riêng đối với tổ chức tín dụng và một số ngành, nghề, lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành đã có các quy định riêng về tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá vốn chủ sở hữu thì thực hiện theo các quy định đó.

Chưa đánh giá đến tính khả thi của quy định trên, nhưng một khi được thông qua, các doanh nghiệp (đặc biệt các doanh nghiệp nào hoạt động sản xuất hàng hóa không có nguồn vốn sẵn có lớn mà hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay và ý tưởng sản xuất kinh doanh lúc ban đầu) có thể phải nộp tiền thuế TNDN nhiều hơn trước.

Chi phí bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp tăng

Hàng tháng, doanh nghiệp phải chi 18% quỹ tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ) và tiền lương dùng làm căn cứ đóng BHXH chỉ bao gồm mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động, theo quy định tại điều 92 và điều 94.1 Luật BHXH 2006. Nhưng, từ ngày 1-1-2016 trở đi, Luật BHXH 2014 có hiệu lực và thay thế Luật BHXH 2006 sẽ thay đổi cách tính tiền lương này, theo hướng là, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH từ ngày 1-1-2016 trở đi sẽ bao gồm mức lương và phụ cấp lương.

Nếu các doanh nghiệp hiện nay có thể lập kế hoạch tài chính, cơ cấu thang, bảng lương bằng cách phân định rõ đâu là mức lương, đâu là phụ cấp lương và các khoản bổ sung để chi đóng BHXH cho NLĐ phù hợp hơn với nguồn tài chính của doanh nghiệp, thì với sự thay đổi này, câu chuyện này dường như bất khả thi, bởi lẽ, tiền lương đóng BHXH từ đầu năm 2016 đã bao gồm luôn cả hai khoản là mức lương và phụ cấp lương. Thậm chí khả năng các doanh nghiệp có thể cơ cấu lại các khoản trả cho NLĐ thành các khoản bổ sung khác không phải là tiền lương hay phụ cấp lương để giảm các khoản chi phí đóng BHXH được thấp hơn cũng khó thực thi, vì theo định nghĩa của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23-6-2015, phụ cấp lương được hiểu là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương - một quy định chung chung, mơ hồ khiến doanh nghiệp cũng khó phân định.

Một khi chi phí đóng BHXH tăng tất yếu dẫn đến chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ cũng tăng vì tiền lương tháng đóng BHTN của doanh nghiệp cho NLĐ theo quy định của Luật Việc làm được dựa trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.

Tăng mức lương tối thiểu vùng

Tuần qua, Chính phủ đã quyết định tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức 12,4%(2), tương đương 250.000-400.000 đồng cho bốn vùng. Khi đó, mức lương tối thiểu mới của vùng 1 sẽ là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng/tháng so với năm 2015); vùng 2 là 3 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng/tháng so với năm 2015); vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng/tháng so với năm 2015) và vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng so với năm 2015).

Với mức lương tối thiểu vùng tăng thêm từ năm 2016 như trên, ắt hẳn một loạt chi phí mà doanh nghiệp phải chi vì quyền lợi của NLĐ sẽ tăng thêm. Một khi quỹ lương doanh nghiệp phải tăng, chi phí đóng BHXH và BHTN tăng cho NLĐ cũng tăng theo.

Chưa kể đến một chi phí nữa cũng tăng là kinh phí công đoàn vì theo điều 4 và điều 5 Nghị định số 191/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp dù cho có hay chưa có công đoàn cơ sở đều có nghĩa vụ nộp kinh phí công đoàn với mức đóng là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Vì quỹ tiền lương này chính là tổng mức tiền lương của những NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH nên quỹ tiền lương tăng thì kinh phí công đoàn mà doanh nghiệp đóng cũng tăng.

Làm sao vượt qua các khó khăn này?

Trước nguy cơ hàng loạt chi phí tài chính tăng như vậy, doanh nghiệp nên sớm chủ động tìm ra các giải pháp thay thế để cân bằng được hoạt động tài chính của chính mình. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể thuê ngoài nhân sự, sử dụng nguồn lao động tạm thời hay sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động trong một số loại công việc mà pháp luật cho phép. Việc đi thuê lại lao động ở bên ngoài cũng đặc biệt thích hợp cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo “mùa”.

Nếu vào mùa cao điểm, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng thuê lại lao động từ các doanh nghiệp cho thuê lại lao động để phục vụ cho chu kỳ sản xuất, kinh doanh của mình trong một thời gian nhất định. Rồi sau khi qua mùa cao điểm hay vào mùa “ế”, doanh nghiệp có thể tạm dừng thuê lao động lại. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ tận dụng tối ưu hóa nguồn nhân lực phù hợp cho chu kỳ của mình.

Ngoài ra, do việc trả tiền lương, trợ cấp hay các khoản đóng BHXH bắt buộc hay BHTN cho NLĐ đã thuộc về trách nhiệm của các doanh nghiệp cho thuê lại lao động nên doanh nghiệp đi thuê lao động cũng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trả lương hay chi phí đóng BHXH và BHTN. Hoặc doanh nghiệp cũng có thể tính đến phương án huy động vốn từ bên ngoài hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài để vượt qua “cơn khó khăn” này.

Và một số thuận lợi

Thật ra bức tranh chi phí doanh nghiệp năm 2016 không hẳn một màu xám vì một số chính sách của Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây cũng mang lại ít nhiều lạc quan. Cụ thể là, nếu doanh nghiệp nào đang thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 22% thì kể từ ngày 1-1-2016 trở về sau, mức thuế suất thuế TNDN sẽ giảm xuống còn 20% (theo điều 10.1 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, doanh nghiệp nào hiện có dự án đầu tư đang được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% trong thời gian 10 năm theo quy định thì từ ngày 1-1-2016, mức thuế suất thuế TNDN được áp dụng sẽ chỉ còn 17% cho khoảng thời gian còn lại theo quy định tại điều 15.3 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa sẽ còn được hưởng nhiều ưu đãi về mặt thuế quan khi trong năm 2016 tới đây, Việt Nam và các nước ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có thể sẽ cắt giảm thuế quan theo cam kết, ví dụ như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan (EAEU) ngày 29-5-2015, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc ngày 5-5-2015 (VKFTA), Hiệp định Thương mại Việt - Lào ngày 27-6-2015...

Cộng hưởng thêm điều này, mới đây nhất là khả năng thông qua của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như một số các hiệp định khác mà Việt Nam đang đàm phán như hiệp định giữa Việt Nam và EU (EVFTA), hay hiệp định giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm các nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Lichtenstein) thì các khoản thuế quan áp dụng cho các mặt hàng sẽ được giảm đáng kể.

--

(*) Công ty Luật Phuoc & Partners

(1) http://vibonline.com.vn/Duthao/1757/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-cac-luat-ve-thue-du-thao-1382015.aspx

(2) http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Chot-muc-tang-luong-toi-thieu-vung-124/235502.vgp

 

Ông Ryan Lee, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Moldpia Byuckjin, công ty Hàn Quốc chuyên chế tạo khuôn mẫu các loại và dụng cụ chính xác có nhà máy đặt tại khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội

Ông Ryan Lee cho hay lương bình quân của nhân viên trong công ty khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay. Nếu mức lương tối thiểu vùng tăng lên 12,4% vào năm 2016 thì chi phí cho quỹ tiền lương của toàn công ty sẽ tăng lên khoảng 10%, bao gồm các chi phí đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn, chi phí tăng ca và nhiều khoản chi phí khác được tính dựa trên lương tối thiểu. “Nghị định đã quy định tăng lương tối thiểu thì chắc chắn chúng tôi sẽ phải tuân thủ nhưng trong bối cảnh triển vọng kinh tế không chắc chắn như hiện nay thì việc tăng thêm 10% cho quỹ tiền lương dành cho người lao động thì quả là một gánh nặng đối với doanh nghiệp”, ông Ryan Lee nói.

Ông Ryan Lee cũng cho biết thêm, kể từ khi Moldpia Byuckjin hoạt động tại Việt Nam, năm nào mức lương tối thiểu vùng cũng tăng khoảng hơn 10%. Mặc dù việc làm ăn của công ty khá thuận lợi nhưng công ty cũng chỉ chịu đựng được việc tăng lương này trong khoảng hai đến tối đa là ba năm nữa. “Nếu năm nào cũng tăng hơn 10% chi phí cho tiền lương thì sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả của doanh nghiệp”, ông Ryan Lee cho biết. Để ứng phó với việc tăng lương trước mắt, theo ông Ryan Lee, công ty sẽ phải hoãn lại kế hoạch tuyển người và thay vào đó là việc đào tạo để một nhân viên có thể cáng đáng thêm nhiều công việc khác nhau.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên

Ông Dương cho biết hiện nay cả doanh nghiệp và người lao động phải đóng cho quỹ BHXH và chi phí công đoàn tổng cộng 34,5% trên tổng quỹ lương. Do đó, khi lương tối thiểu vùng tăng lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những chi phí này.

Theo ông Dương, mỗi năm, công ty mất khoảng 80 tỉ đồng cho các khoản chi phí trên. Do đó, lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng lên 12,4% thì chi phí tăng thêm của doanh nghiệp cho những khoản này ước chừng hơn 12 tỉ đồng/năm, chưa kể việc từ nay tới năm 2018, việc đóng BHXH sẽ dựa trên tổng thu nhập của người lao động chứ không phải trên lương tối thiểu như hiện nay.

Thu nhập bình quân của lao động tại Tổng công ty May Hưng Yên đã cao hơn hai lần so với mức lương tối thiểu vùng, vì vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 không những không giúp họ cải thiện cuộc sống mà còn làm giảm lương thực nhận của họ từ 50.000-80.000 đồng/tháng, tức khoảng gần 1 triệu đồng/năm.
Theo ông Dương, để ứng phó với việc tăng lương tối thiểu này, doanh nghiệp sẽ phải nâng cao năng suất lao động thông qua việc đầu tư máy móc, trang thiết bị, đổi mới phương thức quản lý. “Nhưng việc này các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã làm cách đây nhiều năm và năng suất lao động có giỏi cũng chỉ tăng được 2,5-3%, không thể bù đắp mức tăng 12,4% này được”, ông Dương nói.

Thời gian gần đây, có hiện tượng các doanh nghiệp dệt may trong nước bị thiếu đơn hàng so với mọi năm, theo ông Dương, là do chi phí sản xuất ở Việt Nam hiện đang cao hơn so với Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar. Ví dụ như Ấn Độ, họ có lực lượng lao động dồi dào với dân số 1,3 tỉ người và mức lương của lao động ngành dệt may chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng (khoảng 170 đô la Mỹ), hoặc như Bangladesh ngành dệt may của họ phát triển trên cả chuỗi giá trị từ sợi trở đi. Do đó, nhiều khách hàng đã chuyển sang các nước này đặt hàng thay vì đặt hàng ở Việt Nam.

Do đó, ông Dương đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên thả nổi tỷ giá vì trong khi các nước trong khu vực Asean và nhiều nước khác đã giảm giá đồng tiền từ 18-30% so với đô la Mỹ thì việc tăng giảm ±2% là quá thấp khiến hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng đắt hơn tương đối so với các đối thủ cạnh tranh.

Nguồn:thesaigontimes.vn

 

Các bài viết khác

Copyright © 2013

Công Ty Cổ Phần Visual Plastic – Visual Plastic Joint Stock Company
Địa chỉ: Lô số 07, Đường 19A, KCN Biên Hòa II, P. An Bình, TP. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (84-0251) 3992 284 - Fax: (84-0251) 3992 287
Hotline:  0933.500.063 (Mrs. Châu)

văn phòng cho thuê Vinhomes Phạm Hùng, chung cư vinhomes trần duy hưng, Vinhomes D' Capitale, vinhomes trần duy hưng, vinhomes mễ trì