Tiền gas, điện, quần áo mới, điện thoại… được người tiêu dùng Việt cắt giảm tối đa trong năm qua bởi lo ngại nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng.
Báo cáo "Chỉ số niềm tin người tiêu dùng qúy III" vừa được Nielsen công bố cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá tiết kiệm các khoản chi phí trong gia đình. Theo đó, 86% người tham gia khảo sát cho biết đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình trong năm qua để tiết kiệm, bởi đa số đều cho rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Các khoản chi phí được cắt giảm tối đa gồm: tiền gas, điện, giải trí, quần áo mới, cước điện thoại…
Dù vậy, người tiêu dùng Việt cũng cho biết sau khi trang trải các chi phí thiết yếu trong sinh hoạt, họ sẵn sàng dành tiền cho các kỳ nghỉ dưỡng, du lịch và trang trí, sửa chữa nhà cửa.
Theo ông Regan Leggett, Giám đốc dịch vụ tư vấn khách hàng, Nielsen khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không chỉ ở Việt Nam mà người dân khu vực ASEAN có xu hướng chi tiêu gần giống nhau. Họ muốn xây dựng một tổ ấm vững chắc cho gia đình. Chỉ khi nào tiền tiết kiệm hoặc đầu tư ổn định, thì họ mới xem xét để tiêu pha trên các nhu cầu khác như: du lịch, quần áo mới, sửa chữa nhà, công nghệ và các hoạt động giải trí, tiêu khiển.
Cũng theo báo cáo, trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN có chiều hướng sụt giảm thì niềm tin người Việt tăng nhẹ (đạt 105 điểm). Nhờ đó, hiện Việt Nam đứng vị trí thứ 10 trên toàn cầu về mức độ lạc quan của người tiêu dùng.
Trước đó, theo báo cáo của ANZ, chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam đã tăng 1,6 điểm lên 135,3 điểm trong tháng 9 và cao hơn 0,3 điểm so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này đạt mức tăng nhẹ bởi sự lạc quan của người tiêu dùng về triển vọng nền kinh tế trong năm tới và 5 năm kế tiếp.
Nguồn: vnexpress.net