Từng là phế phẩm trong nông nghiệp nhưng thời gian gần đây rơm, vỏ trấu, lõi ngô... lại là những nguyên liệu được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài săn đón.
1. Rơm
Là phụ phẩm thường để trâu bò ăn hoặc đốt bỏ sau khi thu hoạch lúa thì nay rơm sẽ được chế biến và xuất khẩu sang Nhật.
Giữa tháng 11, lãnh đạo Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) có buổi làm việc với Hiệp hội xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (JBIX) về dự án hợp tác chế biến rơm xuất khẩu số lượng lớn từ miền Tây sang Nhật Bản làm thức ăn trong ngành chăn nuôi.
Theo đó, phía Nhật cần khoảng 220.000 tấn một năm (đã qua chế biến) để cho đàn bò hơn 4,3 triệu con và sẽ cung cấp nguồn vốn, máy móc thiết bị cho bên Việt Nam, đồng thời đưa người sang Nông trường Sông Hậu hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công nhân. Dự kiến những tấn rơm đầu tiên sẽ được xuất đi vào vụ Đông Xuân 2015-2016. Như vậy, thay vì bỏ đi, sắp tới người Việt sẽ kiếm được thêm tiền từ những phụ phẩm này.
2. Vỏ trấu
Cũng là một phế phẩm bỏ đi, nhưng sau quá trình tìm hiểu được công dụng của loại này, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp và nông dân An Giang đã mày mò, chế biến vỏ trấu thành củi để xuất khẩu.
Tại một công ty ở Đồng Tháp, vỏ trấu được đơn vị này ép thành viên và bán với giá trên 1.000 đồng một kg (tùy từng thời điểm). Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất khẩu 10.000 tấn củi trấu viên sang thị trường Hàn Quốc và châu Âu.
Còn tại An Giang, giá trấu tươi khoảng 700 đồng một kg, còn giá thành phẩm bán sỉ 1.300-1.400 đồng một kg. Mỗi cơ sở ép trấu tại huyện Thoại Sơn (An Giang) một giờ cho ra khoảng 300-400 kg củi trấu thành phẩm.
Hiện, tại các địa phương có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh An Giang như: Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, Tân Châu, Tri Tôn… cũng đã có nhiều nhà máy củi trấu mọc lên để sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.
3. Lõi ngô
Cũng là loại mà trước đây nông dân Việt Nam thường đốt bỏ đi thì mấy năm trở lại đây lõi ngô được khá nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, châu Âu săn lùng thu mua.
Một doanh nghiệp nhập khẩu Hàn Quốc cho biết, họ thu mua lõi ngô để trồng nấm, mỗi năm cần khoảng 1.000 tấn. Số lượng thu mua sẽ ngày càng gia tăng nếu đối tác làm việc uy tín và đảm bảo chất lượng.
Ngoài doanh nghiệp Hàn Quốc thì hiện nay phía Nhật Bản cũng muốn nhập khoảng 250.000 tấn phế phẩm này để làm thức ăn chăn nuôi. Giá cùi bắp thu mua tại Long An hiện 1.000-2.000 đồng một kg.
Theo một doanh nghiệp chế biến, mặc dù giá thu mua cùi bắp khá cao nhưng vẫn không đủ nguyên liệu để sản xuất. Mỗi năm công ty chỉ cung ứng được cho thị trường Nhật khoảng 1.000-1.500 tấn.
4. Xơ dừa
Là phế phẩm có giá trị cao, xơ dừa là nguyên liệu chế biến ra rất nhiều sản phẩm như xơ dừa thô ép kiện, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa,...
Tại Bến Tre, người dân kiếm hàng triệu đồng mỗi tháng nhờ bán sơ dừa. Còn đối với các công ty xuất khẩu mỗi năm họ cung cấp hàng trăm nghìn tấn với giá 170-350 USD một tấn.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc mỗi năm, một cơ sở trung bình sản xuất khoảng 30.000 tấn xơ dừa. Nguyên liệu này chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…
5. Bã mía
Có giá trị năng lượng và protein rất thấp nhưng đây là một nguồn xơ có ích, có thể sản xuất thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi, ép thành ván trong kiến trúc, làm bột giấy… Một tấn bã mía dạng này xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản hiện có giá từ 150 tới 200 USD một tấn.
Ở Việt Nam bã mía thường được thu mua để sản xuất ra cồn, làm nguyên liệu đốt lò tạo ra năng lượng điện. Hiện, EVN là đơn vị độc quyền trong việc mua điện lại từ bã mía là dạng năng lượng tái tạo, nhưng với mức giá khá thấp. Tuy nhiên, nguồn điện tạo ra từ bã mía cũng mang lại có người sản xuất một số tiền lớn từ phế phẩm này. Nếu đầu tư bài bản, phế phẩm bã mía có thể đem lại nhiều giá trị cao hơn hiện tại.
Nguồn: vnexpress.net