Cơ sở tái chế bao bì, nilon gây ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Ông Nguyễn Hoàng Duy, Tổng Giám đốc Công ty Nhà Nhựa Việt Nam, cho biết Dự án thành lập nhà máy đầu tiên sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học sẽ được triển khai ở Khu công nghiệp nhựa thuộc tỉnh Long An (Việt Nam), với tổng giá trị hơn 10 triệu USD.
Đây là dự án hợp tác liên doanh giữa Công ty Nhà Nhựa Việt Nam và Công ty Nhựa phân hủy sinh học Quảng Châu (Trung Quốc), hướng đến mục tiêu chuyển giao công nghệ hiện đại, giúp Việt Nam sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua quy trình khép kín trong nước.
Bên cạnh đó, nhà máy sẽ góp phần khắc phục tình trạng một số ít doanh nghiệp nhựa Việt Nam sản xuất sản phẩm phân hủy nhưng hầu hết đều nhập nguyên liệu từ nước ngoài.
Mục tiêu của dự án là đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh; đồng thời thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Theo ông Zhu Guang Fu, Chủ tịch Công ty Nhựa phân hủy sinh học Quảng Châu (Trung Quốc), sau khi xây dựng và đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học sẽ có khả năng đạt công suất khoảng 3.000 tấn/năm, cung cấp các hạt nhựa sinh học, dần dần thay thế những hạt nhựa hóa thạch truyền thống trước đây.
Thông qua mối quan hệ hợp tác liên doanh giữa hai công ty, các máy móc thiết bị để sản xuất hạt nhựa phân hủy từ bột mỳ sẽ mang lại nguồn nguyên liệu mới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhựa nói riêng và phát triển ngành nhựa Việt Nam nói chung./.
Nguồn: baocongthuong.com.vn