Ảnh minh họa.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng TP HCM, trong những năm qua, nhu cầu của thị trường tăng cao nên hoạt động kinh doanh ngành nhựa Việt Nam tăng trưởng mạnh. Mức độ tăng trưởng giá trị sản lượng bình quân hàng năm của ngành đạt 16 – 17%, đưa ngành nhựa Việt Nam đứng vào hàng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010 – 2015.
Mặc dù tiềm năng phát triển mặt hàng nhựa trên thị trường khá cao song ngành nhựa vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Khảo sát mới đây của Hiệp hội cho thấy, hơn 80% DN nhựa trong nước là hoạt động với quy mô DN gia đình. Những công ty này có quy mô nhỏ, sức bền yếu. Đặc biệt, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến cho nên giá thành sản xuất bị đội lên trầm trọng. Điều này vô hình trung ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường so với các sản phẩm cùng loại khác.
Không dừng lại ở đó, theo Hội Cao su – Nhựa, thời gian gần đây ngành nhựa cũng có những thay đổi và dịch chuyển đáng kể. Nếu như 5 năm trước những DN đạt kim ngạch xuất khẩu cao, ở mức 20 triệu USD tập trung nhiều tại thị trường TP. HCM. Tuy nhiên, đến nay xu hướng này có sự đổi chiều, DN nhựa phía Bắc đang nắm chắc sự phát triển.
Thậm chí, một số DN bộc lộ sự yếu sức khi không có sự đầu tư sản xuất bằng những công nghệ hiện đại, hoặc thiếu những chiến lược phát triển mang tính dài hạn.
Nguy cơ hơn cả, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập vào năm 2016 với thị trường tiêu dùng lên đến 600 triệu dân, kèm theo sự tự do lưu chuyển hàng hóa khiến DN cảm thấy quan ngại trong cuộc đua mở rộng. Đây chính là nguyên nhân tại sao thời gian qua một số DN nhựa nội địa chọn giải pháp bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Nhìn vào thực tế phát triển của ngành, cộng đồng DN nhựa thừa nhận, DN Việt Nam yếu thế hơn các DN nước ngoài về tiềm lực tài chính, công nghệ, năng lực quản lý. Trường hợp thị trường mở cửa, hàng hóa các nước có cơ hội vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Lúc đó sức ép không hề nhỏ và khả năng đuối sức trong cạnh tranh chắc chắn xảy ra.
Để không bị thâu tóm nhiều công ty nhựa Việt Nam buộc phải lên kế hoạch “phòng thủ” bằng cách đầu tư xây dựng nhà máy, củng cố năng lực sản xuất. Tiên phong trong hoạt động đầu tư mới, thay đổi dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại phải kể đến nhựa Rạng Đông, Công ty Nhà nhựa Việt Nam, Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre…
Theo kế hoạch đề ra, nhựa Rạng Đông đầu tư dây chuyền máy từ Đức, giá trị dây chuyền khoảng 2,25 triệu USD. Hệ thống này dùng trong sản xuất bao bì nhựa mềm cao cấp với công nghệ thổi 5 lớp hiện đại, công suất 40 tấn/ngày. Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre xây dựng Nhà máy giấy Giao Long năm 2015 và đưa vào hoạt động từ năm 2017 với vốn đầu tư xây dựng mới khoảng 400 tỷ đồng. Dự kiến, hệ thống dây chuyền sản xuất mới có công suất thiết kế 80.000 tấn/năm.
Tương tự, Công ty Nhà Nhựa Việt Nam cũng đã đầu tư hơn 10 triệu USD để thành lập nhà máy đầu tiên sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học... Một số DN khác còn lên kế hoạch thay đổi mô hình quản lý theo hướng công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng để có những thay đổi lớn về cơ cấu sản phẩm, thị trường tiếp cận để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Với mong muốn đồng hành và hỗ trợ DN trong ngành, Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng cùng với Hội Cao su - Nhựa TP HCM kiến nghị UBND TP HCM quy hoạch DN nhựa về một khu tập trung. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi nhằm tiết giảm hao tổn trong chi phí sản xuất, qua đó cũng giúp giảm chi phí vận tải, tăng cường hợp tác, hỗ trợ giữa các DN.
Theo Hội, chỉ khi nào có kế hoạch quy hoạch phát triển cụ thể thì ngành nhựa mới mong lớn mạnh và phát triển nhằm gia tăng tính cạnh tranh cao trong tình hình mới.
Nguồn: VCCI.com.vn
Copyright © 2013
Công Ty Cổ Phần Visual Plastic – Visual Plastic Joint Stock Company
Địa chỉ: Lô số 07, Đường 19A, KCN Biên Hòa II, P. An Bình, TP. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (84-0251) 3992 284 - Fax: (84-0251) 3992 287
Hotline: 0933.500.063 - 0903.608.012 (Mr. Sơn), 0901.554.367 (Ms Nguyệt Anh)