Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn người cũng là Phó Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM, đã có những chia sẻ về ngành nhựa Việt Nam khi bước vào những sân chơi lớn.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc công ty Nam Thái Sơn đồn thời là Phó Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM
PV: Thưa ông, ông có thể phác họa đôi nét về ngành nhựa Việt Nam trước hội nhập như thế nào?
Ông Trần Việt Anh: Ngành nhựa Việt Nam có gần 3.000 doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhựa tập trung khoảng 70% ở khu vực phía Nam, trong đó, gần 70% tập trung ở khu vực TP.HCM.
Doanh nghiệp nhựa Việt Nam đa phần có từ trước năm 1975 và phát triển lên từ doanh nghiệp tư nhân và gia đình. Trong đó, khoảng 80% là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo mô hình quản trị cá thể và gia đình.
Hiện tại việc cổ phần hóa và tư nhân hóa của doanh nghiệp nhựa Việt Nam rất nhanh và trở thành doanh nghiệp tư nhân, hoàn toàn không có doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh một phần doanh nghiệp FDI.
PV: Thưa ông, ông thấy đâu là những cơ hội và thách thức trong hội nhập cho ngành nhựa Việt Nam?
Ông Trần Việt Anh: Thời gian gần đây chúng ta nói rất nhiều về hội nhập, về các hiệp định thương mại. Gần đây nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hiệp ước FTA với châu Âu trong năm 2016. Gần hơn nữa là về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong hội nhập toàn cầu, thách thức với doanh nghiệp nhựa Việt Nam nhiều hơn là cơ hội. Vì trước đây, doanh nghiệp nhựa Việt Nam hoạt động đa phần cho thị trường nội địa, nhưng trên 80% nguyên liệu chúng ta lại nhập khẩu.
Nghĩa là chúng ta đã phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Thành ra, cơ hội sẽ không lớn nếu ta bán cho họ và vẫn phải mua nguyên liệu của họ.
Một thách thức nữa, các doanh nghiệp cùng ngành nhựa với Việt Nam ở khu vực châu Á, đặc biệt là ASEAN, là những doanh nghiệp lớn với hình thức quản trị chuyên nghiệp, và hơn hẳn chúng ta về kiến thức thị trường.
Và chúng ta thua họ ở cả tài chính. Các doanh nghiệp nhựa Thái Lan, Malaysia hay Singapore có thể vay tín dụng dưới 1%, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang sống với tín dụng dao động từ 6 – 7%. Đó là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, về thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội. Như năm 2016 chúng ta được xuất vào châu Âu với thuế xuất bằng không. Vào thị trường Nhật chúng ta có quan hệ về xuất khẩu khá ổn định. Mặt khác, những nhà mua hàng của Nhật đang chuyển dần đơn hàng sang Việt Nam.
Cơ hội đó ta phải biết khai thác nhanh bằng cách thay đổi nội lực của doanh nghiệp, nếu không các doanh nghiệp FDI sẽ đầu tư vào và nhận hết.
PV: Thưa ông, ông nhắc tới thị trường Nhật Bản, EU nhưng Mỹ là một thị trường lớn, nơi cả thế giới bán hàng cho họ. Vậy có điều gì vướng mắc ở đây?
Ông Trần Việt Anh: Mỹ là thị trường lớn và rất tiềm năng, đây cũng là thị trường có sức mua rất ổn định.
Sức mua từ thị trường Mỹ sẽ tạo cú hích lớn về đầu tư, mở mang kiến thức trong phát triển thị trường, quản trị, sản xuất kinh doanh hay kết nối với các đối tác đi đầu về công nghệ.
Khó khăn ở đây, đặc biệt với ngành túi nhựa, bị áp thuế phá giá bắt đầu từ 2010, mức thuế cho doanh nghiệp Việt Nam đến nay là trên 70%. Với rào cản này, cánh cửa đã khép lại với sản phẩm nhựa, túi xách Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Việc áp thuế phá giá sẽ kéo dài đến năm 2020.
PV: Thưa ông, khi AEC hình thành, chúng ta chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp, đặc biệt là Thái Lan đến mua doanh nghiệp Việt nói chung và trong ngành nhựa nói riêng. Có điều gì hấp dẫn từ ngành nhựa Việt Nam để các ông lớn đổ tiền vào mua lại như thế?
Ông Trần Việt Anh: Với gần 3.000 doanh nghiệp cùng trên nửa triệu lao động, giá trị hàng hóa hơn 10 tỉ đô la, xuất khẩu dự kiến 2015 là trên 2 tỉ đô la, đây là một tài nguyên rất lớn và được gây dựng từ bao thế hệ.
Với tài nguyên như thế, không chỉ các nhà đầu tư Thái Lan mà các nhà đầu tư khác, đặc biệt là ở châu Á và ASEAN rất muốn hưởng lợi từ đó. Bằng việc thâu tóm và tham gia vào trong những doanh nghiệp này, đó là cách đi nhanh nhất.
Vì để có một công ty doanh thu trên 1.000 tỉ, một doanh nghiệp Viêt cần tối thiểu 15 - 20 năm. Dù các doanh nghiệp nước ngoài có xây dựng một doanh nghiệp mới, nhanh nhất cũng mất từ 5 -10 năm, chưa tính việc khách hàng, đội ngũ công nhân…
PV: Ông đánh giá như nào về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhựa nội địa so với đối thủ đến từ các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay từ chính doanh nghiệp FDI trong nước.
Ông Trần Việt Anh: Nếu nói có thể cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp ngành nhựa từ Thái Lan, Malaysia hay những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, tôi nghĩ chưa đến 5% doanh nghiệp ngành nhựa có tầm vóc tương xứng về năng lực sản xuất, quản trị, thị trường. Một số doanh nghiệp Việt cạnh tranh được như nhựa Bình Minh, Duy Tân, Tiền Phong, Long Thành, Đại Đồng Tiến, hoặc đơn vị xuất khẩu như nhựa An Phát, Nam Thái Sơn và nhựa Hưng Yên.
PV: Để cạnh tranh thì tự thân các doanh nghiệp phải cải tiến, hay các chính sách hỗ trợ từ nhà nước thưa ông?
Ông Trần Việt Anh: Tôi nghĩ, đầu tiên là tự thân các doanh nghiệp phải cải thiện, chính sách nhà nước đi cùng mang tính xúc tiến thương mại, đào tạo và những chương trình tín dụng, làm sao ngang bằng với những nước trong khu vực.
Quan trọng nhất là nội lực của mỗi doanh nghiệp, doanh nghiệp phải liên kết lại để không còn những doanh nghiệp quá nhỏ, phải chuyển đổi sang hoạt động sản xuất trong những khu vực chuyên nghiệp ở khu công nghiệp hay những nhà máy có tầm vóc lớn.
Đồng thời, doanh nghiệp phải thay đổi hình thức quản trị cho phù hợp, mang tính thế giới mở chứ không phải là gia đình nữa.
Phải có tầm nhìn lớn hơn về thị trường, không phải là thị trường Việt Nam mà là cả thế giới. Khi có tầm nhìn về thị trường thì chúng ta sẽ có những suy nghĩ khác về sản phẩm để cho phù hợp với thị trường. Sản phẩm không phải là sản phẩm vĩnh cửu mà phải là sản phẩm thay đổi liên tục.
Cuối cùng khi chúng ta có những thứ trên thì phải tập trung vào vấn đề công nghệ và thiết bị để tập trung cho vấn đề sản xuất.
Khi chúng ta làm được về nguồn lực, sản phẩm, thị trường, công nghệ thì doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh lên và chúng ta không sợ sự cạnh tranh nữa.
Hiện tại, những chính sách Nhà nước có nhiều vấn đề khó kích thích các doanh nghiệp lớn lên, doanh nghiệp khởi nghiệp hay các doanh nghiệp tư nhân đã phát triển họ cũng không muốn lớn lên, vì vướng vào rất nhiều rào cản về thủ tục hành chính, thủ tục trong quá trình sản xuất kinh doanh. Do đó họ muốn làm nhỏ để va chạm ít đi.